Thứ năm, ngày 30/11/2023
 TRANG CHỦ   >  CÂU CHUYỆN CẢNH GIÁC
Đăng vào Thứ hai, ngày 23/05/2022 14:16
FaceBook Google Twitter | In bài viết
Công an thành phố Thái Nguyên cảnh báo 6 thủ đoạn lừa đảo phổ biến khi bán nhà, đất
Ngày nay, những chiêu lừa đảo trong mua bán nhà đất ngày càng nhiều và tinh vi hơn. Nếu không thận trọng và kỹ lưỡng, bạn rất có thể rơi vào những màn kịch mà chúng đã chuẩn bị sẵn. Công an thành phố Thái Nguyên cảnh báo người dân 6 thủ đoạn lừa đảo phổ biến khi bán nhà, đất như sau:

Kẻ gian có thể bán một mảnh đất cho nhiều người, lừa bán nhà đang bị kê biên hay dùng sổ đỏ giả để giao dịch... Nếu không kiểm tra kỹ lưỡng, bạn có thể "sập bẫy". Công an thành phố Thái Nguyên thông báo những phương thức thủ đoạn thường gặp khi mua bán nhà đất như sau:

1. Giấy tờ có công chứng nhưng sổ đỏ là giả

Kẻ gian làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc vờ báo mất để cơ quan nhà nước cấp lại. Sau đó, chúng dùng giấy này đem công chứng, tạo dựng lòng tin để chuyển nhượng.

Văn phòng công chứng chỉ có chức năng kiểm tra thông tin trong sổ đỏ và tình trạng thửa đất (tranh chấp, kê biên, thế chấp...) mà không có trách nhiệm hay khả năng chuyên môn nghiệp vụ để xác nhận sổ đỏ là thật hay giả. Lợi dụng điểm này, kẻ gian dễ dàng qua mắt người mua, chiếm đoạt tài sản.

Để tránh bị lừa, bạn hãy cùng chủ sở hữu mang sổ đỏ đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Sở tài nguyên môi trường kiểm tra và xác minh. Nếu kết quả là thật, bạn có thể yên tâm ký hợp đồng mua bán, đặt cọc, giao tiền.

2. Bán một mảnh đất cho nhiều người

Kẻ lừa đảo thường đăng tin rao bán nhà đất với giá hấp dẫn, hình ảnh sổ, giấy tờ nhà đất xác thực, rõ ràng. Khi tiếp cận người mua, chúng sẽ viện nhiều lý do để dụ dỗ họ đặt cọc và viết cam kết bằng tay. Sau khi lừa được nhiều người với số tiền lớn, chúng sẽ cắt liên lạc.

Trường hợp này, người mua nên yêu cầu bên bán xuất trình bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chỉ đặt cọc số tiền không quá 10% giá trị chuyển nhượng. Hợp đồng đặt cọc phải nêu trách nhiệm rõ ràng, chú ý điều khoản thời gian chuyển nhượng (không quá một tháng kể từ ngày đặt cọc).

Nếu đến thời gian đã định mà bên bán không chuyển nhượng mà có dấu hiệu trốn tránh, người mua có thể tố cáo hành vi này đến cơ quan công an, đề nghị điều tra và truy cứu hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

3. Giấy tờ nhà đất là thật nhưng người bán không phải chủ sở hữu

Kẻ lừa đảo tự xưng chủ sở hữu, cho xem sổ đỏ thật, khiến bạn tin tưởng đặt cọc giao tiền. Thực chất, chúng giả danh người mua nhà, liên hệ với người đang có nhu cầu chuyển nhượng, yêu cầu cho xem sổ đỏ rồi xin bản photocopy để làm sổ giả.

Sau đó, một kẻ khác tiếp tục đóng vai người đi xem nhà, đề nghị chủ nhà cho xem sổ đỏ, lợi dụng sơ hở sẽ đánh tráo. Chiêu lừa thành công, chúng dùng giấy tờ thật, tự xưng chủ sở hữu rồi bán nhà đất cho người khác.

Để phòng dính bẫy này, người mua cần kiểm tra thông tin trong sổ đỏ và thông tin nhân thân của chủ sở hữu. Cách tốt nhất, bạn nên kiểm tra thông tin tại cơ quan nhà nước để biết thực trạng thửa đất và người đang sở hữu.

4. Lừa bán nhà đất đang bị kê biên thi hành án

Trường hợp nhà đất bị kê biên, một số chủ sở hữu tìm cách chuyển nhượng, thế chấp hoặc cầm cố cho người khác để lấy tiền mặt và tẩu tán số tiền này mà không thi hành án theo yêu cầu của tòa.

Nếu người bán không còn tài sản khác và không đủ tài sản để thi hành án thì nhà đất này vẫn bị kê biên. Người mua dù làm thủ tục công chứng sang tên sổ đỏ vẫn không tránh khỏi tranh chấp và rắc rối.

5. Lừa mua bán nhà đất qua vi bằng

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, kẻ lừa đảo chuyển nhượng nhà đất bằng giấy viết tay thông qua hình thức lập vi bằng tại văn phòng Thừa phát lại.

Những giao dịch này chủ yếu diễn ra tại căn nhà "ba chung": chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chung số nhà. Để tăng sự tin tưởng, chúng thuê văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng.

Tuy nhiên, vi bằng chỉ có giá trị ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất. Dùng vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý. Giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.

6. Quảng cáo một đằng, bán đất một nẻo

Kẻ gian lợi dụng sự cả tin của khách hàng để bán không đúng loại đất, chẳng hạn bán đất ở nhưng thực chất là đất nông nghiệp, đất đang đợi chuyển đổi mục đích sử dụng, đất vườn...

Người mua không nên tin 100% lời quảng cáo của người bán mà cần có những nguồn tin khác liên quan thửa đất, xác minh tại cơ quan nhà nước.

Nếu người bán nói đất đang trong quá trình làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng, bạn hãy yêu cầu cho xem phiếu hẹn và trả kết quả của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu nghi ngờ người bán nói sai về mục đích sử dụng đất, bạn yêu cầu họ cung cấp trích lục bản đồ địa chính và bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Đây là 6 thủ đoạn lừa đảo khi mua bán nhà đất, Công an thành phố Thái Nguyên thông tin để người dân chủ động phòng tránh./.

Công Minh
(Công an thành phố Thái Nguyên, conganthanhphothainguyen.vn)
XEM THÊM
Tin an ninh trật tự trong tuần 25.5 - 31.5.2022 (02/06/2022)
Các biện pháp phòng tránh đuối nước đối với trẻ em (02/06/2022)
Công an thành phố Thái Nguyên cảnh báo về việc để lộ thông tin cá nhân trên không gian mạng (26/06/2022)
Công an thành phố Thái Nguyên cảnh báo người dân với hình thức lừa đảo chuyển khoản khi mua vàng (20/05/2022)
Công an thành phố Thái Nguyên cảnh báo website giả mạo Bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (20/05/2022)
Công an thành phố Thái Nguyên cảnh giác người dân chiêu trò dàn cảnh cướp tài sản (18/05/2022)
Truy cập hôm nay 1282
Tổng lượt truy cập 4217163
Đang truy cập 28

Trang chủBản tin nội bộDanh bạ điện tửHỏi đáp trực tuyếnThông báo truy tìmTruy nã tội phạmRSSSơ đồ trang
CÔNG AN THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: Số 17 đường Cách Mạng Tháng Tám, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên
Liên hệ: 02083.855.219, Hỏi về thủ tục cấp CCCD: 02083.855.899
Bản quyền thuộc: Công an thành phố Thái Nguyên
Email: conganthanhphothainguyen@gmail.com
Ghi rõ nguồn từ “Công an thành phố Thái Nguyên” khi phát hành lại thông tin từ website này