Thứ năm, ngày 30/11/2023
 TRANG CHỦ   >  HOẠT ĐỘNG  >  HOẠT ĐỘNG CỦA CATP
Đăng vào Thứ năm, ngày 18/05/2023 16:13
FaceBook Google Twitter | In bài viết
Xâm hại tình dục trẻ em - tội ác không thể dung thứ, Chung tay bảo vệ trẻ thơ
Tất cả trẻ em đều có quyền được sống và lớn lên một cách lành mạnh, an toàn vì tương lai của chính các em, vì tương lai của đất nước, dân tộc. Chính vì vậy, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em nói chung, trong đó có xâm hại tình dục (XHTD) là yêu cầu bức thiết, cần sự phối hợp chặt chẽ với nhiều giải pháp đồng bộ của gia đình, nhà trường và cả xã hội.

Cán bộ Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an TP. Thái Nguyên) chuẩn bị tài liệu tuyên truyền về phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh các nhà trường.

Quan tâm giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm

Qua phân tích nhiều vụ việc XHTD trẻ em cho thấy, các nạn nhân chưa được giáo dục giới tính một cách đầy đủ. Trong khi đó, ở lứa tuổi dậy thì, các em rất tò mò về bản thân và người khác giới nên không có người lớn định hướng sẽ dễ mắc sai lầm. Vì vậy, việc giáo dục giới tính từ sớm là hết sức cần thiết, nhằm giúp trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần; cung cấp kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị lạm dụng, XHTD hoặc mang thai trong độ tuổi vị thành niên.

Để đạt được hiệu quả trong giáo dục giới tính rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể. Đầu tiên, gia đình có vai trò quan trọng hơn cả trong việc giúp trẻ phòng, tránh bị xâm hại.

Chị Hoàng Thị Loan, ở thị trấn Đu (Phú Lương), chia sẻ: Có con gái đang học lớp 9 nên tôi rất quan tâm việc giáo dục giới tính. Bản thân tôi luôn dành thời gian trò chuyện với con để chia sẻ, nắm bắt những thay đổi tâm sinh lý; biết được con hay chơi, tiếp xúc với người nào trực tiếp và trên mạng xã hội, kiểm soát được những website con hay truy cập.

Tuy nhiên, thực tế không phải bậc phụ huynh nào cũng có sự chủ động nâng cao nhận thức và kiến thức về sức khỏe sinh sản gắn với độ tuổi vị thành niên, thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi các con như chị Loan. Cha mẹ hãy quan tâm hơn đến các con, dành thời gian để nói chuyện với con về giới tính, chỉ ra những điểm kín đáo trên cơ thể trẻ mà không ai được phép đụng chạm vào. Đồng thời khuyến khích trẻ kể lại những hành vi khác thường mà người lớn làm với chúng để kịp thời nhận ra các dấu hiệu gây nguy cơ cho con nhằm phòng tránh, chắc chắn trẻ sẽ có kiến thức và chủ động bảo vệ mình trước nguy cơ bị XHTD.

Đối với nhà trường, mặc dù kiến thức cơ bản đã được trang bị trong các tiết học văn hoá theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng sự sáng tạo và nhiều xu hướng mới của giới trẻ lại chưa được cập nhật, kiến thức trong sách giáo khoa đôi khi còn khô cứng.

Hiện nay, số cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức các hoạt động rèn kỹ năng sống kết hợp ngoại khóa tuyên truyền giới tính và kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro về sức khỏe sinh sản và nguy cơ bị quấy rối, XHTD chưa nhiều.

Trường THPT Bình Yên (Định Hóa) là một trong số ít cơ sở giáo dục có sự quan tâm và cách làm sáng tạo về vấn đề này. Trường thành lập Ban tư vấn học sinh để kịp thời tư vấn, giải đáp, giúp đỡ các em khi gặp khó khăn trong vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản. Cùng với đó là xây dựng mô hình hòm thư “Điều muốn nói”; chuyên mục “Giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản” của Câu lạc bộ phát thanh thanh niên; các hoạt động ngoại khóa theo hình thứ sân khấu, tạo dựng tình huống giả định, phiên toà giả định… thường xuyên được tổ chức để học sinh có thêm kiến thức, chia sẻ những điều khó nói, chưa hiểu về giới tính.

Cùng với gia đình và nhà trường, thời gian qua, các tổ chức hội đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ các bạn trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên về giáo dục giới tính; giúp các bạn trẻ xóa bỏ tâm lý rụt rè, e ngại; cung cấp thông tin, những thủ đoạn mà kẻ xấu, kể cả người quen thường dùng, chuẩn bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ, thoát hiểm khi gặp những đối tượng có hành vi XHTD.


Việc giáo dục giới tính sớm sẽ giúp trẻ em chủ động nắm bắt kiến thức và phòng tránh những điều không mong muốn xảy đến.

Đồng bộ các giải pháp phòng ngừa

Từ thực tế tội phạm XHTD trẻ em, bên cạnh sự vào cuộc của gia đình, nhà trường, các tổ chức hội đoàn thể, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã đẩy mạnh những biện pháp phòng ngừa. Đáng chú ý là mới đây Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh đã thực hiện chuyên đề nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết nhóm tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Tháng 2-2023 vừa qua, Viện KSND huyện Định Hóa ban hành kiến nghị Hiệu trưởng Trường THPT Định Hóa áp dụng các biện pháp để phòng ngừa, nhất là kịp thời nắm bắt những học sinh có biểu hiện nghi vấn để phối hợp uốn nắn, giáo dục, răn đe; hạn chế thấp nhất việc các em có hành vi phạm tội và bị xử lý hình sự, trong đó có XHTD.

Tương tự, Viện KSND TP. Phổ Yên cũng vừa ban hành kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm về XHTD trẻ em. Ông Vũ Xuân Hữu, Viện trưởng Viện KSND TP. Phổ Yên, thông tin: Trên cơ sở kiến nghị của ngành Kiểm sát, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng ngừa tội phạm XHTD trẻ em. Trong đó yêu cầu lực lượng Công an tăng cường tấn công, trấn áp các loại tội phạm; tích cực điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với tội phạm xâm hại trẻ em; sử dụng các biện pháp điều tra thân thiện đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị XHTD. UBND các phường, xã thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng, nâng cao nhận thức về XHTD cho nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em để có khả năng nhận diện, đề phòng cảnh giác.

Cùng với gia đình và nhà trường, cơ quan, ban, ngành các cấp đã thiết lập nhiều kênh tiếp nhận những phản ánh và trợ giúp trẻ em, trong đó có các trường hợp trẻ bị XHTD.

Từ năm 2004, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất thành lập Tổng đài điện thoại hoạt động liên tục 24/24h trong ngày để tư vấn, tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Đến năm 2019, Chính phủ chính thức khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, nhằm thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ ngay lập tức được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em. Tổng đài không thu phí viễn thông và phí tư vấn của người gọi đến.

Đối với Thái Nguyên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp nhận thông tin và tư vấn, hỗ trợ nạn nhân là trẻ em thông qua Tổng đài quốc gia 111 và 18008080 của tỉnh.

XHTD trẻ em là tội ác không thể dung thứ và thỏa hiệp. Mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng cần quyết liệt, cùng lên tiếng bảo vệ trẻ em bị xâm hại, để các hành vi sai trái phải chịu sự trừng phạt của pháp luật và không tái diễn.

Công Minh
(Công an thành phố Thái Nguyên, conganthanhphothainguyen.vn)
XEM THÊM
Công an xã Tân Cương: Tuyên truyền pháp luật năm 2023 (18/05/2023)
TUYÊN DƯƠNG 75 THANH NIÊN TIÊN TIẾN LÀM THEO LỜI BÁC TỈNH THÁI NGUYÊN NĂM 2023 (18/05/2023)
Cụm thi đua Hội phụ nữ Công an các huyện, thành phố ký kết giao ước thi đua năm 2023 (19/05/2023)
Bắt giữ đối tượng cướp tài sản ở Bưu cục Phú Xá (18/05/2023)
Thông báo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Thái Nguyên trong tuần (18/05/2023)
Xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội (18/05/2023)
Truy cập hôm nay 1362
Tổng lượt truy cập 4217243
Đang truy cập 33

Trang chủBản tin nội bộDanh bạ điện tửHỏi đáp trực tuyếnThông báo truy tìmTruy nã tội phạmRSSSơ đồ trang
CÔNG AN THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
Địa chỉ: Số 17 đường Cách Mạng Tháng Tám, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên
Liên hệ: 02083.855.219, Hỏi về thủ tục cấp CCCD: 02083.855.899
Bản quyền thuộc: Công an thành phố Thái Nguyên
Email: conganthanhphothainguyen@gmail.com
Ghi rõ nguồn từ “Công an thành phố Thái Nguyên” khi phát hành lại thông tin từ website này